1. Thuận lợi
Trong nhiều năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh An Giang rất quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và điều kiện điều kiện thực tế của địa phương, hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, ban hành nhiều văn bản, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp sát với chức năng, nhiệm vụ được giao, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngành GDĐT hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình.
Ngành GDĐT nhận được sự hỗ trợ từ các sở, ngành liên quan trong tỉnh; công tác phối hợp liên ngành ngày càng chặt chẽ, các đơn vị liên quan luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, tích cực hỗ trợ theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác giáo dục toàn diện cho học sinh và công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Hàng năm, các sở, ngành liên quan đều dành một phần kinh phí hỗ trợ các trường học hoạt động, thực hiện ký kết các chương trình, kế hoạch phối hợp với Sở GDĐT để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong học sinh và nhân dân về các nội dung như: tuyên truyền phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật trong học sinh; phòng chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em; giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, an toàn giao thông; phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước;...
Đa số các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; có kế hoạch và phương án xử lý các vụ việc bạo lực học đường, có xây dựng quy tắc Văn hóa ứng xử trong trường học, phối hợp tốt với các ngành chức năng của địa phương thực hiện tốt việc xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo, bảo đảm nội dung giáo dục tập trung vào những giá trị cơ bản.
Khi có các vụ việc bạo lực, xâm hại học sinh, các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương đều tích cực phối hợp xử lý, ngăn chặn, can thiệp, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.
(Tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường tại trường THCS Nguyễn Trãi - Thành phố Long Xuyên)
2. Khó khăn, nguyên nhân
Khó khăn ban đầu khi Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 3004/QĐ-UBND ngày 24/12/2020, Sở GDĐT ban hành Hướng dẫn số 2768 /HD-SGDĐT ngày 27/9/2021 về Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp người học bị bạo lực, xâm hại, các vụ việc bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh An Giang: Ở thời điểm này, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động giáo dục của ngành phải chuyển đổi hình thức linh hoạt. Nhiệm vụ trước mắt và cấp bách lúc này là làm sao để học sinh tiếp tục học tập theo đúng thời gian của năm học mà vẫn đảm bảo được sức khỏe, an toàn, phòng chống dịch hiệu quả. Trong tình hình đó, tất cả các cơ sở giáo dục phải tập trung mọi nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch trong trường học và hỗ trợ công tác đón người dân ở vùng dịch về địa phương,... Bên cạnh đó, lực lượng giáo viên vừa phải học tập và bồi dưỡng thêm các kỹ năng trực tuyến, vừa tập trung hướng dẫn kỹ năng an toàn cho học sinh khi tham gia học trực tuyến, kỹ năng chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh hiệu quả... Do đó, khi có Quyết định số 3004/QĐ-UBND ngày 24/12/2020 của UBND tỉnh và Hướng dẫn số 2768 /HD-SGDĐT ngày 27/9/2021 của Sở GDĐT, số lượng các cơ sở giáo dục, địa phương quan tâm đến Quy trình này rất ít.
Nhiều đơn vị trường học, địa phương thuộc địa bàn kinh tế khó khăn nên công tác vận động, tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động giáo dục chưa được như mong muốn.
Một số cha mẹ học sinh vẫn còn tâm lý khoán trắng việc giáo dục con em cho nhà trường, thiếu sự quan tâm phối hợp trong giáo dục, quản lý học sinh, nhất là thời điểm ngoài giờ học nên vẫn còn xảy ra một số vụ việc bạo lực học đường.
Một số báo cáo về vụ việc liên quan đến trẻ em (bạo lực học đường, xâm hại tình dục,...) chưa được một số cơ sở giáo dục, ngành và địa phương quan tâm đến công tác bảo mật thông tin cá nhân của trẻ; một vài nơi chưa quản lý tốt công tác thông tin nên dẫn đến một số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em bị đưa tin, đăng tải lên các phương tiện thông tin truyền thông làm ảnh hưởng đến đời sống cá nhân, tâm lý của trẻ và gia đình trẻ, gây áp lực cho các cơ quan chức năng đang thụ lý, điều tra, xử lý vụ việc.
(Giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn tại trường Tiểu học Long Sơn - Thị xã Tân Châu)
3. Nguyên nhân
Nhiều gia đình học sinh, cha mẹ đi làm ăn xa, gửi học sinh ở cùng người thân; một số gia đình khá giả, đủ điều kiện lại nuông chìu con em quá mức; số gia đình khác vẫn mang tâm lý trách nhiệm giáo dục học sinh thuộc về nhà trường nên thiếu sự quan tâm, giáo dục, quản lý các em ngoài, khoán trắng việc giáo dục học sinh cho nhà trường, thiếu phối hợp trong công tác quản lý, giáo dục học sinh tại nhà, chưa gương mẫu trước con cái về hành vi và lời nói.
Trong công tác phối hợp liên ngành, một số cơ sở giáo dục, địa phương chưa đánh giá đúng nguyên nhân, đối tượng gây ra các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em để có các giải pháp phù hợp với từng thời điểm. Tâm lý chung của xã hội, khi có vụ việc bạo lực học đường, xâm hại trẻ em xảy ra, dư luận lại đỗ lỗi cho công tác giáo dục của thầy cô giáo, cho nhà trường, thường dễ dàng bỏ qua các nguyên nhân, đối tượng phạm tội khác, gây áp lực, quá tải lên trường học.
4. Các giải pháp của Sở GDĐT triển khai các hoạt động phối hợp theo Quyết định số 3004/QĐ-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang
Thứ nhất, Sở GDĐT đã xác định nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện tốt việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giúp học sinh được phát triển kiến thức và kỹ năng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; từ đó ngành đã tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai các Chỉ thị, Kế hoạch, Chương trình của Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ GDĐT, Tỉnh ủy, các Bộ, ngành liên quan; đồng thời xây dựng kế hoạch chiến lược của ngành, đặt ra các chỉ tiêu cụ thể tạo bước chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động cho cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành về các mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh.
Thứ hai, trong công tác tham mưu, phối hợp liên ngành, Sở GDĐT luôn thể hiện sự chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các Sở, ngành, đoàn thể, tổ chức liên quan, sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tiên phong tham gia vào các nhiệm vụ chung có liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, … Từ đó, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành vào hoạt động giáo dục chung của tỉnh.
Thứ ba, với vai trò thành viên của các Ban chỉ đạo, Ban điều hành những nhiệm vụ chung của tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đề xuất các giải pháp sáng tạo, vì mục tiêu phát triển chung, thể hiện tốt vị thế của ngành giáo dục, tạo mối quan hệ tốt đẹp và huy động được sự ủng hộ của các Sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp và các nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động giáo dục. Thực hiện Quyết định số 3004/QĐ-UBND ngày 24/12/2020 của UBND tỉnh, Sở GDĐT đã ban hành Hướng dẫn “Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp người học bị bạo lực, xâm hại, các vụ việc bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh An Giang (Hướng dẫn số số 2768 /HD-SGDĐT ngày 27/9/2021), cụ thể ra những việc cần làm, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên được phân công,...; hướng dẫn cụ thể các bước cần thực hiện phù hợp với các tình huống và mức độ, tính chất vụ việc; hướng dẫn các biểu mẫu lập hồ sơ theo dõi, hỗ trợ, can thiệp, phối hợp trợ giúp tâm lý, pháp lý cho học sinh và gia đình học sinh (nếu có) sau vụ việc; đặc biệt lưu ý các cơ sở giáo dục về nguyên tắc “bảo mật thông tin” theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, luôn quan tâm xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, chỉ đạo các trường học tổ chức tốt hoạt động truyền thông, giáo dục về chính trị, tư tưởng, giáo dục kỹ năng sống, văn hóa ứng xử cho học sinh các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh. Từ hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục, ngành giáo dục và đào tạo đã xây dựng được niềm tin vững chắc đối với phụ huynh, học sinh, xã hội và các Sở, ngành. Điều đó sẽ giúp công tác tham mưu triển khai thực hiện các kế hoạch về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, giáo dục toàn diện cho học sinh luôn nhận được sự ủng hộ, đồng tình và thống nhất cao của ngành liên quan, chính quyền địa phương.
Thứ năm, Sở GDĐT thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát chuyên ngành và công tác phối hợp liên ngành nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các vụ việc, vấn đề “nổi cộm” liên quan đến công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục kỹ năng sống, văn hóa ứng xử, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Thực hiện thường xuyên và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát liên ngành sẽ giúp ngành giáo dục nắm kịp thời các thông tin liên quan đến hoạt động giáo dục; từ đó sẽ đề ra các giải pháp triển khai sát với thực tế, phù hợp với đặc điểm chung của ngành và điều kiện thực tế tại địa phương.
Thứ sáu, triển khai thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong các cơ sở giáo dục. Chỉ đạo các trường học thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp liên ngành tại địa phương, kết nối các nguồn lực từ cộng đồng tham gia, phối hợp cùng ngành GDĐT thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp người học bị bạo lực, xâm hại, các vụ việc bạo lực học đường; hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục về kiến thức, kỹ năng phối hợp hỗ trợ, can thiệp, đảm bảo việc xử lý đối với các trường hợp người học bị bạo lực, xâm hại, các vụ việc bạo lực học đường được kịp thời, hiệu quả, có tác dụng giáo dục tích cực.
(Tuyên truyền phòng chống ma túy tại trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh - Huyện Chợ Mới)
5. Một số mô hình hoạt động của Sở GDĐT phối hợp với các Sở, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và chính quyền địa phương các cấp thực hiện trong thời gian qua
a. Nhóm công tác xã hội liên ngành
- Các ngành tham gia: Sở GDĐT, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Tỉnh đoàn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện kiểm sát tỉnh.
- Khái quát quy chế, nội dung hoạt động: khi có vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, các ngành cùng vào cuộc và phối hợp xử lý theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành; mọi thông tin xử lý đều được bảo mật và hướng đến mục tiêu hỗ trợ, tư vấn kịp thời, giúp trẻ em, học sinh được hoà nhập, học tập và phát triển bình đẳng. Tùy vào tình huống, hoàn cảnh xảy ra vụ việc mà có sự tham gia của các ngành liên quan và được chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ theo hệ thống quản lý ngành, từ tỉnh đến cơ sở.
- Thời gian thực hiện mô hình: từ năm học 2014 - 2015 đến nay.
b. Mô hình Công tác xã hội học đường
- Đơn vị chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Đơn vị phối hợp và hỗ trợ kinh phí: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Hình thức: triển khai các hoạt động liên quan đến công tác tư vấn tâm lý, can thiệp, kết nối các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ của địa phương; tổ chức các hoạt động giáo dục về giới tính, chăm sóc sức khỏe vị thành niên, tuổi dậy thì, các kỹ năng phòng chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục,…
- Thời gian thực hiện mô hình: từ năm học 2014 - 2015 đến nay (số lượng trường tham gia hiện nay là 13 điểm trường/năm, so với thời điểm bắt đầu thực hiện mô hình chỉ có 4 trường/năm).
c. Ký kết phối hợp liên ngành thực hiện công tác bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái
- Đơn vị chủ trì: Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh.
- Đơn vị phối hợp: Sở GDĐT, Công an tỉnh, Tòa án Nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế.
- Khái quát quy chế, nội dung hoạt động: phối hợp thực hiện các hoạt động tuyên truyền, xử lý các vụ việc có liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái; nâng cao hiệu quả, quá trình thực thi nhiệm vụ của mỗi ngành; bảo đảm các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đúng quy định của pháp luật, công bằng, nghiêm minh, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới; thực hiện nhiệm vụ theo hệ thống quản lý ngành, từ tỉnh đến cơ sở.
d. Ký kết phối hợp liên ngành với Công an tỉnh
- Đơn vị chủ trì: Công an tỉnh.
- Đơn vị phối hợp: Sở GDĐT.
- Khái quát quy chế, nội dung hoạt động: phối hợp thực hiện các hoạt động tuyên truyền, xử lý các vụ việc có liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tuyên truyền phòng chống ma túy, thực hiện các quy định về an toàn giao thông, xử lý các vụ việc bạo lực học đường, xâm hại tình dục, mua bán người có liên quan đến học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học; phối hợp thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự trường học, bảo vệ chính trị nội bộ, an ninh mạng, phòng cháy chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn,...
(Một buổi sinh hoạt của Mô hình Công tác xã hội trường học tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tri Tôn - Huyện Tri Tôn)
e. Một số nội dung khác được Sở GDĐT ký kết phối hợp với một số Sở, ban, ngành khác để thực hiện công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, góp phần phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em:
- Tỉnh đoàn: tổ chức hoạt động, phong trào Đoàn – Đội trường học và phong trào thiếu nhi.
- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: tổ chức hội thi về Bình đẳng giới, thi tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại tình dục trẻ em,...
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: tổ chức các giải thi đấu thể thao, văn nghệ dành cho học sinh; tuyên truyền bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, giáo dục lịch sử địa phương.
- Sở Y tế: phối hợp chăm sóc sức khỏe học đường, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giáo dục về giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thực hiện công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Từ các mô hình hoạt động trên, để thực hiện tốt Quyết định số 3004/QĐ-UBND ngày 24/12/2020 của UBND tỉnh, hàng năm, Sở GDĐT còn nhận được sự phối hợp và hỗ trợ kinh phí của nhiều ngành liên quan nhằm tổ chức hiệu quả các hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, giáo dục toàn diện cho học sinh.
Tóm lại, công tác bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em trong các cơ sở giáo dục là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT; cần có sự quan tâm, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh, sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Để tiếp tục thực hiện hiệu Quyết định số 3004/QĐ-UBND ngày 24/12/2020 của UBND tỉnh, góp phần thực hiện tốt phong trào xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, ngăn ngừa các nguy cơ gây tổn thương cho mọi trẻ em, học sinh, Sở GDĐT đã luôn chủ động tham mưu UBND tỉnh thực hiện các chỉ đạo từ Trung ương, Bộ GDĐT, tích cực phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phường để thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo cơ hội tốt nhất để học sinh được phát triển toàn diện. Chính tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, sẵn sàng hợp tác đã giúp Sở GDĐT tỉnh An Giang đạt nhiều kết quả trong công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ GDĐT nói chung, nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục, bảo vể trẻ em, xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện nói riêng trên địa bàn tỉnh.
Minh Bảo Trân - Sở GDĐT